Nhìn lại những điểm nhấn nổi bật của làng di động trong năm 2018

2018 đang sắp qua đi, chúng ta cùng nhìn lại một năm vừa qua xem có những sự thay đổi lớn hay đột phá nào đã góp phần tạo nên một thị trường di động vô cùng phong phú và đa dạng như hiện tại nhé.

“Tai thỏ”

Hãng di động Apple đã mở màn cho một trào lưu mới, trào lưu màn hình khuyết đỉnh hay còn gọi là “tai thỏ”. Từ khi iPhone X ra mắt công chúng, các hãng điện thoại ra sau đó đã thi nhau phát triển trào lưu này từ những thiết bị giá chỉ có vài triệu đồng đến hơn vài chục triệu đồng trên thị trường. Thiết kế của các mẫu điện thoại này đều hướng tới việc tối đa diện tích ở mặt trước máy, tạo không gian rộng để thao tác thoải mái hơn.

Trào lưu "tai thỏ" được khơi mào từ chiếc iPhone X

Trào lưu “tai thỏ” được khơi mào từ chiếc iPhone X

Sự ra mắt liên tiếp những chiếc Smartphone có phần mặt trước giống nhau như vậy đang gây khá nhiều sự nhàm chán và làm cho nhiều người thấy không còn hứng thú khi nhìn màn hình tràn viền. Một vài hãng ông lớn trong thế giới Android vẫn đang giữ mình với việc bảo lưu thiết kế cũ. Có thể kể tới như Sony, Samsung hay cả HTC nữa.

Dùng module camera trượt

Tưởng chừng Camera trượt đã là câu chuyện của 8 – 10 năm về trước thì hiện tại, một số hãng vẫn đang thiết kế theo cách này để tạo ra một màn hình mặt trước tràn viền thật sự rộng và loại bỏ phần “nốt ruồi” trước mặt của máy. Camera trước sẽ được giấu xuống phía dưới cùng các cụm cảm biến khác.

Điều này được thực hiện trên chiếc Vino Nex khá tốt, màn hình của máy đã hiển thị được tới 91% trên tổng số diện tích mặt trước. Ngay sau đó chiếc Oppo Find X cũng được ra mắt với thiết kế tương tự. Tuy nhiên các sản phẩm này vẫn đang được đặt một dấu hỏi lớn về tính bền bỉ của máy. Liệu cơ chế trượt này sẽ hoạt động trong bao lâu ? Khi không may xẩy ra sự cố đứt cáp thì liệu chi phí thay thế có dễ thở với người dùng?

Mở khóa bằng Face ID

Việc mở khóa bằng khuôn mặt (Face ID) đã thực sự được sử dụng vào năm 2011 trên chiếc máy chạy Android 4.0 Ice Cream Sandwich. Tuy nhiên chỉ khi Apple đi tiên phong làm lại mọi thứ chỉnh chu và hoàn thiện hơn thì mới có sự ồ ạt như hiện tại. Tuy nhiên phương pháp này được nhiều người cho rằng chưa đủ độ an toàn để bảo đảm tính riêng tư cho thiết bị của họ. Vẫn có thể dùng những hình ảnh 2D của người dùng để mở khóa. Trên Apple thì Face ID được quét bằng tia hồng ngoại trên mô phỏng 3D nên độ an toàn được cải thiện hơn.

Cảm biến vân tay ẩn dưới màn hình cảm ứng

Để tối đa không gian mặt trước của sản phẩm, các nhà sản xuất phải tìm đủ mọi cách để đưa cảm biến vân tay ra sau lưng máy hoặc hai bên hông. Và dĩ nhiên còn một cách nữa là đặt cảm biến vân tay xuống dưới màn hình cảm ứng của máy. Điều này đã được thực hiện bởi vài hãng điện thoại đến từ Trung Quốc.

Tuy vậy, tính năng này vẫn đang ở trong giai đoạn thử nghiệm và chưa được sử dụng rộng rãi do việc nhận diện vân tay của người dùng dưới một lớp màn hình kính khó khăn và phức tạp hơn rất nhiều so với việc tiếp xúc trực tiếp.

THÊM BÌNH LUẬN